Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012



       ỚT HAY HỒNG

Sao em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng?
Giá chi em một trái hồng
Đỏ tươi ngoài vỏ cho trong ngọt ngào.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012



                     DẠY VĂN
            Thân tặng thầy dạy văn Cao Sơn
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao?
Chớ ai đo biển bằng sào
Khác chi "phê" đại văn hào dở hay
Rượu văn chưa uống cũng say
Trắng đêm, trắng tóc một ngày bình thơ.
Phân tích:
     Đọc 2 câu thơ đầu chúng ta chợt nhớ đến một giai thoại văn học kể rằng: Thời thanh niên, trong một đêm trăng thanh, khi hát đối ở sân đình, một cô gái tuổi trăng tròn đã hỏi Nguyễn Du:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
     Chàng thư sinh nổi tiếng hay chữ khi đó đã chết đứng vì câu chơi chữ hóc búa này. Người xưa thường chia thời gian theo tháng âm lịch là trăng thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Tương ứng với trăng non, trăng thanh nhưng lại không có trăng già. Núi non, tiền bạc, hội hè... là từ láy nhưng người chơi chữ cố tình biến thành từ ghép. Bởi vì núi là danh từ, còn non lại trùng với tính từ chỉ trạng thái. Trong văn học chưa từng có khái niệm núi trẻ hay núi già. Tương tự như vậy, từ láy “tiền bạc” vừa được hiểu theo nghĩa danh từ chỉ chất liệu để làm ra tiền là “tiền bạc, tiền vàng hay tiền giấy” nhưng được biến thể theo kiểu “Đồng tiền thì nó bạc”. Bạc ở đây lại là tính từ chỉ tính chất (bạc bẽo). Hội hè thì được biến thể theo kiểu “Hội mùa hè hay hội mùa xuân”. Cô bạn gái đã đưa ra câu hỏi một từ không có nghĩa ngược hay nghĩa đối thì kỳ tài như Nguyễn Du cũng khó mà trả lời được.
    Tác giả đã thay câu “Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” thành “Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao” hỏi người được tặng là thầy giáo Cao Sơn (núi cao) để đặt câu chơi chữ. Ở đây tác giả đã sử dụng những từ khái niệm tương đối như: Ao sâu, núi cao, biển rộng, sông dài... mọi người quen dùng mà không được định nghĩa. Điển hình của vấn đề này là “nghịch lý đống thóc” trong toán học. Một tấn thóc để trên sân ai cũng gọi là “đống thóc”. Lấy đi 1, 2, 3... hạt vẫn gọi là đống thóc. Bài toán đặt ra là lấy đi bao nhiêu hạt thì “đống thóc” không còn là “đống” nữa mà trở thành “mớ thóc”. Không ai trả lời được. Khái niệm “núi cao” cũng tương tự. Đỉnh Phan Si Phăng, mái nhà của Việt Nam, ai cũng công nhận là “núi cao”, vậy ngọn núi cao nhiêu mét thì gọi là núi thấp? Chưa có ai định nghĩa cả.
      Theo thuyết biện chứng: Khi một người giải bài toán trong chương trình nào đó, muốn nhận xét người đó giải hay hoặc dở thì người nghe phải có trình độ tương đương hoặc cao hơn. Bình văn, bình thơ cũng vậy, dù trong văn chương không có thước đo chặt chẽ, chuẩn mực như toán học. Bởi vậy các thầy cô giáo không nên ra đề cho học sinh: “Em hãy bình luận bài thơ sau...” mà nên thêm vào trước từ bình luận chữ “tập”. Bởi vì một học sinh phổ thông bình thơ của Nguyễn Du thì khác gì “đo biển bằng sào”. Ngay chỉ một câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” cũng đã tốn hàng chục trang “phê” và “bình” nữa là. Hay là câu tục ngữ “Ăn vóc học hay”, từ “vóc” được giải thích với nhiều cách hiểu khác nhau.
     Tiếc rằng Thơ như một cô gái xinh đẹp có ma lực, đã không vương vấn thì thôi, đã sa vào thì không dứt ra được nữa. Trừ một số người đặc biệt, còn nói chung mấy ai coi làm thơ là một nghề kiếm cơm, dẫu rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”. Họ chỉ coi thơ là bạn, là người thay mình dãi bày tâm sự, là những bông hoa tô điểm cho đời, là gia vị của món ăn, là chén trà thơm, là chút men say giúp ta thêm yêu, hiểu cuộc sống và thiên nhiên hơn, tuy rằng thiếu nó người ta vẫn cứ tồn tại.
     Nhưng, đĩa thịt gà ri da vàng, thịt trắng phau sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu đĩa muối tiêu và mấy lá chanh thơm. Tết sẽ ra sao nếu vắng cành đào, đoá mai dù trong nhà giò, chả, bánh chưng đầy đủ. Và càng tẻ hơn nếu không có bài thơ khai xuân chúc sức khỏe, ngợi ca cuộc sống thanh bình cùng thiên nhiên hùng vĩ. Cho nên những người đọc, người viết vẫn rất cần thơ, say thơ và thức tới trắng đêm, nghĩ tới bạc tóc để có một câu thơ hay dâng tặng cho đời, hay là tận hưởng được một áng thơ tuyệt tác xuất thần.
     Câu thơ cuối cùng cũng thể hiện được cách dùng từ sinh động của tác giả. Cùng là từ trắng, nhưng trong “trắng đêm” nó là tính từ chỉ thời gian, còn trong “trắng tóc” nó là tính từ chỉ màu sắc. Vừa đảo tính từ lên trên, vừa đặt hai từ cạnh nhau, dồn dập, liên tiếp để thể hiện được niềm mê say, vừa thể hiện sự lao động trí tuệ vất vả và nghiêm túc của người làm thơ.
                                                Tháng 6/ 2002



                        CHÈ TƯƠI

Thơm,  chát, ngọt, say… bát nước trà
Nhanh tay em hái cạnh hiên nhà
Sương mai còn đọng như vương vấn
Rót vội mà sao vẫn đậm đà.
Phân tích:
     Dù đề bài không có chữ “tươi” thì khi đọc hết hai câu đầu chúng ta vẫn biết rằng bát nước chè thơm, chát ngọt, uống vào làm say lòng người ấy đích thị là chè tươi rồi. Đó chính là dụng ý chính của tác giả, không dùng từ miêu tả trực tiếp cái muốn nói mà người ta vẫn biết đang miêu tả về điều gì. Và dù bài thơ chỉ nói tới cô gái nhưng chúng ta thấy ngay còn có một chàng trai nữa. Có lẽ cả đêm qua anh đã thao thức, khao khát mong trời chóng sáng để đến gặp người đã hớp mất hồn mình. Cho nên, khi mà hạt sương mai vẫn còn long lanh đọng trên búp chè non tơ, chưa ăn sáng, anh đã đến tìm cô. Có lẽ không phải nhà hết chè khô, một người đảm đang ít khi để xảy ra tình huống đó, mà vì muốn mời chàng trai uống bát nước chè nguyên chất, không qua sao tẩm do chính tay vun trồng, được tưới bằng những giọt mồ hôi của mình, nên cô gái đã nhanh nhẹn vin những cành chè đang la đà bên hiên nhà, ngắt những lá “bánh tẻ” pha mời anh. Đang đói lòng, đói tình yêu nên khi uống vào anh đã say, say chè thì ít, say tình thì nhiều. Không thấy tác giả tả trực tiếp nhưng chúng ta vẫn biết được thiếu nữ này là người thế nào, cây chè xanh ám chỉ cô gái.
     Sương mai còn đọng như vương vấn miêu tả cô gái hãy còn ngây thơ trong trắng, nửa chưa muốn vướng “bụi hồng trần” nhưng trước sự nhiệt tình, lịch thiệp của chàng trai khiến cô có lúc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên là người dịu dàng và mến khách cô đã đón tiếp chàng trai với cả tấm lòng chân tình. Họ không nói với nhau nhiều lời. Chàng trai chậm rãi thưởng thức từng hớp trà. Cô gái ngồi yên lặng nhìn anh uống, nhưng ánh mắt và hành động của họ đều theo tiếng mách bảo của trái tim...
     Cụm từ “Thơm, chát, ngọt, say” đã miêu tả trình tự “trà đạo”. Nâng bát nước chè xanh nóng lên, trước hết ta thấy hương thơm theo hơi ấm êm ái len lỏi vào khứu giác, nhẹ nhàng mà lâng lâng. Và khi uống vào, mới đầu cảm thấy vị chan chát nhưng sau đó như có phản ứng hoá học xảy ra, vị chát chuyển dần thành vị ngọt, và vị ngọt đã cứ thấm dần từ đầu lưỡi lan xuống họng, đọng lại, càng nuốt càng thấy ngọt. Và cảm giác chuyển dần sang vị ngọt ấy cũng là dụng ý nói lên sự biến đổi tình cảm của cô gái, từ chỗ còn đôi chút e ấp, tình cảm đã thăng hoa đến giai đoạn “rót vội” mà vẫn “đậm đà”. Và khi đã đủ độ ta cảm thấy đê mê nhẹ nhàng, đó là say. Say chè ngược với say rượu. Càng say càng tỉnh táo. Không chỉ một mà cả hai cùng say...
     Bài thơ từ dụng ý tả bát nước chè tươi mà không dùng chữ tươi đã trở thành tả một mối tình rất trẻ trung, xanh tươi của một đôi trai thanh, gái đảm.
                                               Tháng 10/ 2002

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012


EM VÀ CHIẾC ÁO DÀI


Anh định tặng em yêu
Chiếc áo dài dân tộc
Giữa sắc màu choáng ngợp
Cứ đắn đo màu nào ?
Em mặc áo hoa đào
Anh ngỡ mùa Xuân tới
Giục những chồi thơ mới
Theo tiếng đàn vút nhanh.
Em choàng nước biển xanh
Nắng hè như dịu lại
Để tuổi xuân xanh mãi
Trong mắt xanh mơ màng.
 Em diện sắc mai vàng
Trời đông như bừng nắng
Chùm bướm vàng bướm trắng
Đến dập dờn vây quanh.
Em chọn màu tuyết trắng
Điểm sơn mài cánh sen
Anh ngỡ vầng mây bạc
Bay dập dờn quanh em.
Em mặc áo màu nào
Cũng trẻ gần chục tuổi
Trông e ấp dịu dàng
Như cô dâu ngày cưới.
Tà áo dài lộng lẫy
Là sắc màu của hoa
Còn nhị hương thơm ngát
Lời dịu dàng thiết tha.
                1991


          EM ĐỢI MÙA THU
    
Chuyển kể rằng nhà thơ lớn Nguyễn Du
Có bạn gái tên là Hoàng Cúc
Múa dẻo, hát hay, đẹp người, đẹp nết
Ngoại ba mươi chưa chịu lấy chồng
Đêm trăng thanh hát đúm ở sân làng
Đóa hoa thắm khiến bao chàng say đắm
Nguyễn Du thả một câu hát dặm
Để thăm dò lòng bạn gái thân
“Trăm hoa đua nở về xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu ?”
Nàng cười khẽ chớp hàng mi
Trả câu ví dặm mê ly dịu dàng:
“Bởi chăng mong chút nhị vàng
Cho nên Cúc mới muộn màng đợi thu”
Kỳ tài như thể Nguyễn Du
Nghe thơ đáp cũng sững sờ khen hay
Bút rồng, lược phượng trao tay
Trăng ghi thề ước đợi ngày vu quy
Khen ai dám đợi khéo chờ
Bấy lâu mài sắt bây giờ nên kim.

                          Thu 1995


              EM  LÀ AI

 Khi vắt màn, vô tình tạo ra hình cô gái đường nét kỳ   ảo 

đành ngủ không buông màn vì sợ cô gái biến mất.


Anh vô tình sáng tạo ra em
Làn tóc mây gió vờn hắt nắng
Miệng mỉm cười mắt đăm xa trông ngóng
Trên tay trang sách đọc dở chừng.
Em là ai ? Sao quen thuộc vô cùng
Thực thực hư hư ánh nê-ông huyền ảo
Quê ở đâu hỡi cô em hiền thảo
Từ rừng xanh hay biên đảo hiện về?
Đã qua rồi giờ đọc truyện đêm khuya
Chẳng muốn mất em màn tuyn không rủ
Sáng tỉnh dậy chẳng thấy em đâu cả
Ơ! Đêm qua ai bủa giúp tôi màn?
               Nha Trang  6/ 1981

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012



             ĐÔI MẮT

Tôi sinh ra gặp được giờ Thìn
Nên bay nhảy khắp miền đất nước.
Ôi! Việt Nam giang sơn gấm vóc
Từ Đồng Văn đến Phú Quốc đảo xa
Được gặp biết bao thiếu nữ gần xa
Chân thật, dịu dàng, hào hoa, tinh tế
Đằm thắm, thủy chung, ngọt ngào, e lệ
Trán thanh cao, mắt sáng, môi hồng
Thon thả lưng ong, tóc óng như mây,
Rạng rỡ nụ cười, hây hây má đỏ…
Trong số đó có cô gái nhỏ
Khuôn mặt trái xoan rạng rỡ vô tư
Mắt bồ câu trong vắt hồ thu
Ánh lên vẻ thông minh, tinh nghịch
Đôi mắt ấy như có thêm ma lực
Gần gũi, xa xăm, sáng rực lửa tình
Nhìn thẳng mắt em tôi thấy rõ hình
Ngơ ngẩn của tôi lung linh trong đó
Những buổi hành quân sao Mai sáng tỏ
Lại nghĩ mắt ai chăm chú dõi theo
Tháng tháng soi gương cắt tóc, cạo râu
Nhớ mắt ai thi nhìn lâu không chớp
Đôi mắt ấy như có thêm ma lực
Cứ dõi theo tôi trong suốt cuộc đời…

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012



   NGHĨ VỀ CAO BÁ QUÁT


Bâng khuâng đứng trước đền người
Khách thơ tấp nập, hương trôi bềnh bồng
Vũ môn nếu chép hoá rồng
Cá không đớp cá, người không trói người
Nếu như hoà hợp Đất – Trời
Thì công danh ắt tót vời trần gian
Thẳng ngay đối nghịch gian tham
Đại bàng há dễ chịu giam trong lồng
Những mong thoả chí tang bồng
Thiên thời chưa gặp mắc vòng trần ai
Thánh thơ ngàn bản toàn tài
Cả đời độc nhất hoa mai cúi đầu
Lạ đời biển cạn nghiên sâu
Xé thiêu thơ chẳng phai màu thời gian
Lưu danh thiên cổ giang san.


BÊN EM CÒN CÓ MUÔN NGƯỜI
  Thân tặng những người khuyết tật
Em ơi đừng tự trách đời
Sinh ra chẳng được vẹn mười tròn trăm
Ngày dài nghĩ ngợi xa xăm
Một năm được mấy đêm rằm tròn đâu
Biển còn trong đục nông sâu
Vạn hoa vạn dạng trăm màu ngàn hương
Gãy cành rách lá thế thường
Vẫn thơm hoa, kết trái đường trĩu cây
Dẫu rằng bèo tấm, cỏ may
Vẫn vui góp trí chung tay xây đời
Kìa gương chàng Nick tuyệt vời
Không tay chân vẫn muôn người tôn vinh
Luận rằng trong kiếp nhân sinh
Đủ đầy thành đạt thường tình em ơi
Khuyết mà thành đạt mới tài
Người càng trân trọng quý ai bội mười
Bên em còn có muôn người
Giang tay nâng đỡ mỉm cười sẻ chia.

                       TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ

Ta đã sống những ngày sôi nổi nhất
Đầy tự hào song cũng rất gian lao
                   Tóc vờn mây trên đỉnh núi cao
Tay phồng mọng khoét chiến hào phòng ngự
Chênh vênh đường đèo đổ mỡ
Gió Lào xả lửa nấu nung
Rét tái tê trong lán lá đêm đông
Mắt quầng trũng những đêm ròng mất ngủ
Dép và gậy mòn trơn suối lũ
Dạ làm thân gạo cũ, củ mài
Môn thục, tàu bay, rau má... dài dài
Đũa cành trúc, thìa mài từ pháo sáng
Áo xé làm băng, chăn thành võng cáng
Ngực mấy lần máu láng, vẫn kiên trinh.
Quân hiệu giờ thay huy hiệu thương binh
Bút, liềm, búa thay cây súng thép
Sức dẫu tàn, tinh thần không héo hắt
Vẫn nhìn đời qua ánh mắt màu xanh
Vẫn cùng nhau hát mãi khúc quân hành
Trận tuyến mới là ngành kinh tế.
             Trạm thương binh Nam Hà  5-1968


       TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG

Lệnh truyền đúng giờ G nổ súng
Đồn địch chập chờn dưới bóng hỏa châu.
Hình ảnh thương yêu ập đến tiếp nhau
Giếng nước, mái tranh, giàn bầu... thân thuộc.
Bà nội tôi hiền hoà trung thực
Tóc đã hoa râm, rất mực cần cù
Tuổi ngót bảy mươi vẫn cặm cụi chỉn chu
Chăm sóc từng luống su, gốc táo.
Cha mẹ tôi long đong, tần tảo
Từng miếng cơm, manh áo nuôi con
Gánh nặng lệch vai, chân bậm đường trơn
Tối vẫn ê a đọc Kiều, Tấm Cám...
Bảy anh em chan hòa đằm thắm
Dù nhà tranh vách đất đơn sơ
Áo nhuộm dày nâu, cơm độn vàng ngô
Vẫn học giỏi, làm thơ, ham đá bóng.
A! Mẹ chợ về, đua nhau đỡ thúng
Mẹ mỉm cười: quà chúng con đây
Thằng nhớn đi làm, hai quả chuối tây
Đứa nhỏ bế em thì này một quả
Lận lội thân cò sớm khuya vất vả
Mong bảy gái trai tất cả nên người
Khi ốm đau trái nắng, giở trời
Bố mua thuốc, mẹ ngồi đánh gió.
Cậu, dì, chú, cô, họ hàng gắn bó
Buồng chuối, rổ khoai, trái dứa sẻ ba
Hiếu, hỉ, yếu đau thăm hỏi chật nhà
Chia sẻ, động viên điều hoà khi “giá bức”.
... Một loạt súng vang cắt ngang ký ức
Hai pháo hiệu xanh xé rách bầu trời
Xung phong, xung phong... tiếng thét liên hồi
Bộc phá nổ long trời, lở đất
Tiếng quát, tiếng kêu, tiếng chân lật bật
Tiếng rên la, tiếng vật đâu đây...
Cờ đỏ sao vàng trên lô cốt tung bay
Thêm một vùng từ nay giải phóng…
Vượn hú, mưa giăng, nhớ đêm dậy sóng
Lòng xốn xang hình bóng quê nhà
Vần thơ ghi trên vỏ thuốc nôm na
Gửi thăm thầy mẹ phương xa yên lòng.
                                 1965

            VẪN ĐỢI
         Thương gửi Kim Cúc
 Quen nhau hồi giữa Xuân em nhỉ ?
Trời nắng vàng quyện gió ru nhè nhẹ
Trên Xuân Trường quê mẹ tươi xinh.
Biết tên nhau một sớm bình minh
Anh lên lớp chông mìn, em học.
Chiến thuật công - phòng tập tành khó nhọc
Em vẫn cười, đôi mắt long lanh.
Gặp buổi chiếu phim, song song em anh
Thủ thỉ tâm tình cuộc sống.
Quê anh, Quất Lâm biển xanh gió lộng
Sáng mờ thuyền lướt sóng ra khơi
Khi chiều tà vàng bóng mặt trời
Cá muối trắng ngời, anh cười anh hát.
Quê em, Xuân Dương đồng xanh bát ngát
Lả lướt cò bay, thơm mát lúa chiêm
Tắm trăng vàng em tát nước thâu đêm
Chen tiếng hát êm êm xao xuyến.
Ta chung con sông Sò yêu mến
Lượn qua quê em, vòng đến quê anh
 Đôi con đê ôm dòng nước mát lành
Nối nhịp cầu long lanh soi bóng.
Sáng mong rồi chiều ngóng
Hiểu sâu dần cuộc sống đời tư
Xa bảy ngày đó gửi đôi thư
Ngóng hồi âm lòng như lửa đốt...
Nhớ buổi kiểm tra đường ngắm bài bắn một
Xoay kính ngược chiều để nhìn mặt thơ ngây.
Và nhớ chiều bế mạc, lúc chia tay
Bướm lượn, chuồn bay mà lòng nổi gió
Anh đã đi chừng hơn cây số
Vẫn thấy em đứng đó vẫy theo…
Rồi Đảng cần, không kịp gặp em yêu
Anh Nam tiến một chiều lộng gió
Tàu hỏa kéo còi anh vẫn kề cửa sổ
Nhìn lại quê hương trong đó có em.
Những lúc đạn bom, rắn vắt, mưa chan
Luôn thấy bóng em yêu bên cạnh
Tiếp cho anh niềm vui, sức mạnh
Sưởi ấm đêm trường buốt lạnh cam go
Thư đến, thư đi lưu luyến hẹn hò
       Dù thương tật hay quá thì.... vẫn đợi.                 

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012


 CHÔM CHÔM VÀ VẢI THIỀU

TRÁI chôm chôm hay quả vải thiều
ĐẤT mẹ cả, dù ít nhiều mùn lượng
TRÒN, ô van, nhỏ, to không quan trọng
CHÚNG giống nhau sự ngọt mọng tình đời
TA bóc đi lớp vỏ bề ngoài
CÒN lại một hình hài đồng sắc
GẶP trái chôm Nam bên quả thiều xứ Bắc
LẠI nhớ bạn hiền đã khuất Trường Sơn.
                  TP Hồ Chí Minh 7- 1982

             QUAN NIỆM

Tôi đã, mãi sống thanh cao trung thực
Chẳng uốn mình vì chức tước, lợi, tiền
Nghèo thơm sạch hơn giàu vương đục
Thấp thẳng lưng hơn cao phải cúi luồn.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Gương

Gương pha lê rạng nụ cười
Gương tình mắt biếc của người yêu thương
Gương trăng rạng rỡ bốn phương
Gương soi muôn mặt gương cuộc đời

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Thơ với cuộc sống – Cuộc sống với thơ

Tập thơ Ngọn nến

Trên tay tôi đang cầm là bản thảo tập thơ Ngọn nến của Tiến sĩ Toán học Cao Ngọc Châu, với dung  lượng chừng 60 bài, đủ để dựng lên tập sách cỡ hơn trăm trang, dày dặn, khuôn thức đẹp gọn gàng gây ấn tượng cho người đọc. Tôi lật mở và đọc kỹ từng trang bản thảo từ đầu đến cuối với tất cả sự trân trọng của lòng mình trước thái độ, nghiêm túc với thơ và sự lao động trí tuệ cần mẫn của một nhà khoa học tự nhiên chuyên ngành Dự báo kinh tế trước mỗi trang viết về các vấn đề xã hội, tình yêu và cuộc sống.

Tơ lòng


Từng ngày vỗ cánh bay nhanh
Nụ thắm đã thành mọng trái
Khóe mắt, nụ cười thuở ấy
Nồng nàn đọng mãi trong tim
Mái xanh giờ đã bạch kim
Lửa lòng lung linh chẳng tắt

Tiền duyên


Phải chăng mình có tiền duyên
Mới quen nhau đã như thuyền gặp sông
Đêm ngày tơ tưởng nhớ mong
Cứ thao thức chuyện khai sông vượt đèo

Gương

Gương pha lê rạng nụ cười
Gương hồ cạm bẫy mây trời tơ vương
Gương tình mắt biếc người thương
Gương soi muôn mặt là gương cuộc đời



Em là


Em là giàn giầu thơm
Nhuộm cho đời xanh mãi
Anh cau vàng chờ hái
Cho môi ai thắm trầu.

Mẹ


Mẹ ban cho con cuộc đời
Giọt sữa mặn mồ hôi
Ôi! Công ơn của Mẹ
Biển Thái Bình khôn vơi

Quê hương


Quê hương – tiếng mẹ ru hời
Võng tre kẽo kẹt quãng đời ấu thơ
Cánh đồng gieo gặt ước mơ
Con sông neo đậu bến bờ đôi ta
Nghĩa tình cốt nhục ông cha
Bâng khuâng thương nhớ diết da trọn đời
Xa quê mấy chục năm rồi
Bôn ba khắp cả đất trời giang san
Á, Âu bao nước tham quan
Say tình, đắm cảnh nhân gian cũng nhiều
Mà sao hơn hết thương yêu
Quất Lâm quê mẹ, cánh diều tuổi thơ
Tôi yêu, yêu đến vô bờ
Có đêm thao thức thẫn thờ con tim
Xứ người lưu lạc cánh chim
Kho nao mỏi cánh lại tìm về quê
Ra đi tâm nguyện lời thề
Vinh quang hái gặt đem về dâng quê hương.

Tuổi học trò


Tuổi học trò như hoa buổi sớm
Tuổi học trò trái chín đầu mùa
Hoa buổi sớm trắng trinh e ấp
Trái đầu mùa ngọt ngọt  chua chua

Hoa tầm xuân


Mắt sắc, người thanh, tiếng một thanh
Nhà nông nhưng dáng vẻ đô thành
Môi hồng, da trắng, tay thon bút
Tóc xõa trùm vai thơm lá chanh

Cây nến


Từ buổi âm dương giao thoa
Thần nhẫn
Biến đôi ta thành nén
Anh là bấc trắng
Em là sáp trong
Một cộng một thành một
Hai trừ một bằng không
Hòa quyện nhau dâng hiến
Đến tan thành hư không

      Trích tập thơ Ngọn nến

Nguyễn Du và hoa trong Truyện Kiều


Những bông hoa  muôn màu muôn sắc rực rỡ lung linh dưới ánh mặt trời cùng với hương thơm quyến rũ lan tỏa mơn man trong gió mà tinh túy của đất trời ban tặng cho con người. “Dưới sân rộng sum suê quế huệ/ Trong nhà cao sực nức chi lan”. Nhưng “Chơi hoa đã đễ mấy người biết hoa”. Yêu và hiểu hoa như Nguyễn Du thật hiếm.
Trong truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã nhắc đến 15 loài hoa là: Đào (21 lần), Mai (12 lần), Sen (13 lần), Lan (5 lần), Cỏ lau (2 lần), Hồng (6l ần), Lê (5 lần), Cúc (4 lần), Hải đường (2 lần), Trà mi (2 lần), Phù dung, Lựu, Mẫu đơn, Liễu, Huệ.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Xuân lai


Cứ Tết Xuân lai đúng lời
Cài hoa, gắn nụ khắp nơi nơi
Phổ cho chim thú bao bài hát
Vẩy nước cam lồ trắng xóa trời
Vắt nắng thành vàng treo cành quất
Cô sương đọng bạc rắc nhành mai
Phun sơn phủ lá cây xanh biếc
Thoa phấn lên môi bé đỏ tươi
Xuân tặng quà cho khắp mọi nhà
Trà thơm, kẹo ngọt, ngát hương hoa
Trẻ thêm sức khỏe, già thêm tuổi
Hây hẩy như xuân, mãi chẳng già

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Một vài nét về nhà thơ Cao Ngọc Châu

Cao Ngọc Châu

- Nguyên quán: Thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định
- Hiện ở: Ngách 575/16/12 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
- Nghề nghiệp: Tiến sĩ Toán kinh tế chuyên ngành Dự báo
- Phó chủ nhiệm CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam
- Chủ nhiệm CLB Thơ Thông Reo, Hà Nội
- Hội viên CLB Văn học Tháp Bút, Hà Nội
* Các tác phẩm đã xuất bản:
In riêng
- Dự báo kinh tế. Nhà xuất bản GTVT năm 1989
- Bình minh cửa biển. NXB Văn hóa Dân tộc năm 2002
- Thơ Cao Ngọc Châu 2VCD - 2006
- Ngọn nến - Nxb Hội nhà văn - 2009
- Vần thơ dâng mẹ. Tập bài hát phổ thơ - 6/2010
- Giao Thủy quê ta - VCD 13 bài hát - Tháng 9/2010
- Nhịp cầu thơ 10/2010
In chung
- Thơ nhà giáo Tập IV. NXB Văn hóa Dân tộc
- Thông Reo 25 năm. NXB Văn hóa Dân tộc
- Những chặng đường đã qua. Nhà xuất bản GTVT
- Ngọc Khánh đất và người - NXB Lao động
- Ngọc Khánh và thơ
- Tầm xuân VI, VII, VIII, IX. NXB Văn học
- Vầng trăng Ba Đình. NXB Hà Nội
- Văn học Tháp Bút XI, XII, XIII, XIV, XV
- Thơ Vĩnh Phúc
- Cựu chiến binh Ba Đình
- Tấm lòng nhà giáo IX, X
- Tạp chí Giao thông Vận tải
- Tạp chí Con đường xanh