Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Thơ với cuộc sống – Cuộc sống với thơ

Tập thơ Ngọn nến

Trên tay tôi đang cầm là bản thảo tập thơ Ngọn nến của Tiến sĩ Toán học Cao Ngọc Châu, với dung  lượng chừng 60 bài, đủ để dựng lên tập sách cỡ hơn trăm trang, dày dặn, khuôn thức đẹp gọn gàng gây ấn tượng cho người đọc. Tôi lật mở và đọc kỹ từng trang bản thảo từ đầu đến cuối với tất cả sự trân trọng của lòng mình trước thái độ, nghiêm túc với thơ và sự lao động trí tuệ cần mẫn của một nhà khoa học tự nhiên chuyên ngành Dự báo kinh tế trước mỗi trang viết về các vấn đề xã hội, tình yêu và cuộc sống.

Triết luận sống và nhân cách sống của Ông được mở ra và khẳng định ngay từ bài thơ đầu của tập Ngọn nến với những câu thơ bình dị như lời nói thường ngày mà có sức lay động tới tâm thức thẳm sâu của người đọc: “Tôi đã, mãi sống thanh cao trung thực/  Nghèo thơm sạch hơn giàu vương đục/ Thấp thẳng lưng hơn cao phải cúi luồn”. Bởi lẽ bình sinh con người ta phải đâu ai cũng tránh được lôi kéo xô đẩy của vòng lợi danh quyền chức, tiền bạc sang giàu mà phải khom lưng uốn gối, bán rẻ danh thơm! Ông luôn tự nhủ mình chỉ là một cá thể giữa cộng đồng, ví như hạt cát giữa sa mạc, giọt nước trong lòng biển khơi mênh mông vô cùng, vô tận của cuộc sống này, của cõi người này để yêu người, yêu đời và sống hết mình với người, với đời:
Làm chi miễn phục vụ dân
Ở đâu nếu Tổ quốc cần chúng ta
Gian nguy vẫn rộn lời ca
Chẳng qua một hạt phù sa giữa đồng…
                                    (Bài Tự nhủ-trang 20)
Thơ Cao Ngọc Châu dung dị, dễ hiểu dễ cảm, gần gũi với con người, cuộc sống thường nhật như chính cuộc đời ông vậy. Nguyên là tiến sĩ Toán học ngành Dự báo kinh tế thuộc Bộ Giao thông Vận tải, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tham gia cùng đồng nghiệp xây dựng các dự án chuyên ngành GTVT có hiệu quả cao. Ngoài ra ông dành phần lớn thời gian tham gia các hoạt động đoàn thể xã hội tại địa phương. Và cũng chính từ đó niềm yêu thơ, say thơ đã cháy bùng lên trong ông; có lẽ bởi thơ đã khơi dậy trong ông bao rung cảm rạo rực trước con người, quê hương đất nước, tình yêu gia đình và cuộc sống muôn màu… mà bấy lâu do bận rộn công tác chuyên môn, mạch nước ngầm trong mát ấy chỉ chảy róc rách, nay mới có dịp tuôn trào!
Tôi nhớ đâu đó người đời có câu “Khô như toán học” nhưng với nhà toán học Cao Ngọc Châu có lẽ không phải như vậy, bởi qua thơ ta thấy một Cao Ngọc Châu nhìn đời, nhìn người tinh tế và giàu tình cảm trước cái đẹp, ấy là khi ông thả hồn mình bay bổng lãng mạn cảm xúc trước người con gái mặc áo dài tha thướt:
… Em mặc áo hoa đào
Anh ngỡ mùa Xuân tới
…Em choàng nước biển xanh
Nắng hè như dịu lại
… Em diện sắc mai vàng
Trời Đông như bừng nắng
Chùm bướm vàng bướm trắng
Đến rộn ràng vây quanh
… Em chọn màu tuyết trắng
Anh ngỡ vầng mây bạc
Bay dập dờn quang em…
                        (Bài Em và áo dài-trang 30)
Với một nhà khoa học, việc đến thư viện đọc sách nghiên cứu, sưu tầm tài liệu là điều hiển nhiên ai cũng dễ hiểu, song còn cảnh con người ở đó ra sao thì dễ đâu ai cũng có được cảm xúc thật và đẹp đến mơ mộng như ông:
Anh ghé vô thư viện một ngày thu
Nắng lụa vàng vắt bồng bềnh cửa sổ
Cánh vạn thọ rung rinh hớn hở
Và em, bông hoa huệ trắng trong…
                        (Bài Thư viện và em-trang 54)
Mảng đề tài ông dành nhiều tâm cảm và bút lực có lẽ là về quê hương với tuổi thơ hồn nhiên, vô tư trong sáng với những kỷ niệm đẹp trong hành trang ông đem theo suốt cuộc đời. Ông nhớ về miền quê Giao Thủy tỉnh Nam Định nơi có bãi biển và đồng muối Quất Lâm, có dòng sông Sò tắm mát tuổi thơ, nuôi lớn nhân cách và tâm hồn, đưa ông bước những bước đầu tiên vào đời để có hôm nay:
…Trời nắng rủ nhau đi tắm sông
… Nước đục nhưng lòng ta vẫn trong
… Nếu được Tiên cho ba hạt dẻ
Điều ước đầu tiên: cái tuổi trẻ thiếu thời
Sống vô tư quên danh lợi cuộc đời
                        (Bài Tình bạn quê hương- trang 37)
Hình ảnh mẹ là hình ảnh sâu đậm nhất gắn liền với tuổi thơ và quê hương trong thơ Cao Ngọc Châu, với nhịp thơ ngũ ngôn nhẹ nhàng như khúc đồng dao mà sâu lắng thiết tha, làm rưng rưng cảm động bất kỳ người đọc khó tính nào:
… Ước chi mẹ sống lại
Được gối đầu vào lòng
Nghe lời ru êm ái
Theo cánh cò mênh mông
                        (Bài Nhớ mẹ- trang 62)
Trong cuộc đời mỗi người (đặc biệt là với người đàn ông) thì công danh sự nghiệp luôn là điều thiêng liêng cao cả, nó thể hiện chí hướng, sức mạnh và nghị lực của trang nam tử với đời. Song bất kỳ ở đâu, với bất kỳ người đàn ông nào thì công danh sự nghiệp cũng không thể tách rời điểm tựa vững chắc là hậu phương gia đình, là mái ấm hạnh phúc… nơi có hình bóng người vợ hiền tần tảo chăm chút cho mỗi bước đi của chồng của con trước cuộc đời đầy trái ngang giông gió. Trên bước đường sự nghiệp của mình. Cao Ngọc Châu từng in dấu chân khắp mọi miền đất nước, ở đâu ông cũng gặp cảnh, gặp người rất đỗi quyến rũ thân thương với những sắc màu lung linh huyền ảo… như những loài hoa muôn sắc tươi nguyên tô đẹp cho đời. Song trong hồn ông mãi yêu nhất một đóa hoa cứ nở âm thầm quanh năm, chẳng chọn mùa, chẳng sợ sương Đông lạnh giá tươi nguyên trước nắng Hạ mưa Đông! Phải chăng đó là hình ảnh người phụ nữ là vợ hiền, là bạn đời thân thương yêu quý nhất cuộc đời mà ông gọi là “Hoa bất tử”
… Em là Hoa bất tử của anh
Là quỳnh trắng ngát giữa đêm thanh
Là mười giờ đỏ trưa ngày Hạ
Là phong lan tím sáng Xuân xanh
                        (Bài Hoa bốn mùa- trang 60)
Thơ Cao Ngọc Châu chân thành và dung dị trong cách biểu đạt, không có nhiều thủ pháp phức tạp, cũng không nhiều ngôn từ mới lạ bóng bẩy lấp lánh… Ông cũng không dụng công trong nhiều thể loại, song càng đọc ta càng thấy chất trí tuệ và nét đẹp đầy phong cách của người đàn ông hiện đại trong ông mà vẫn đậm nét bao dung trước cuộc sống. Được vậy phải chăng ông đã tâm nguyện làm ngọn nến cháy hết mình dâng ánh sáng cho đời:
… Khi đã nguyện trọn đời làm ngọn nến
Phải sáng lung linh, cháy đến hết mình!
                        (Bài Trọn đời làm ngọn nến- trang 109)
Bạn đọc hãy đến với Ngọn nến của Cao Ngọc Châu. Biết đâu lại tìm được những tia sáng le lói soi rọi về phía góc khuất của cuộc đời.
                                                            Hà Nội, ngày 19/9/2009
Đỗ Quyết
                                                Chủ nhiệm CLB Văn học Tháp Bút Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét