Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012



                     DẠY VĂN
            Thân tặng thầy dạy văn Cao Sơn
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao?
Chớ ai đo biển bằng sào
Khác chi "phê" đại văn hào dở hay
Rượu văn chưa uống cũng say
Trắng đêm, trắng tóc một ngày bình thơ.
Phân tích:
     Đọc 2 câu thơ đầu chúng ta chợt nhớ đến một giai thoại văn học kể rằng: Thời thanh niên, trong một đêm trăng thanh, khi hát đối ở sân đình, một cô gái tuổi trăng tròn đã hỏi Nguyễn Du:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
     Chàng thư sinh nổi tiếng hay chữ khi đó đã chết đứng vì câu chơi chữ hóc búa này. Người xưa thường chia thời gian theo tháng âm lịch là trăng thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Tương ứng với trăng non, trăng thanh nhưng lại không có trăng già. Núi non, tiền bạc, hội hè... là từ láy nhưng người chơi chữ cố tình biến thành từ ghép. Bởi vì núi là danh từ, còn non lại trùng với tính từ chỉ trạng thái. Trong văn học chưa từng có khái niệm núi trẻ hay núi già. Tương tự như vậy, từ láy “tiền bạc” vừa được hiểu theo nghĩa danh từ chỉ chất liệu để làm ra tiền là “tiền bạc, tiền vàng hay tiền giấy” nhưng được biến thể theo kiểu “Đồng tiền thì nó bạc”. Bạc ở đây lại là tính từ chỉ tính chất (bạc bẽo). Hội hè thì được biến thể theo kiểu “Hội mùa hè hay hội mùa xuân”. Cô bạn gái đã đưa ra câu hỏi một từ không có nghĩa ngược hay nghĩa đối thì kỳ tài như Nguyễn Du cũng khó mà trả lời được.
    Tác giả đã thay câu “Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” thành “Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao” hỏi người được tặng là thầy giáo Cao Sơn (núi cao) để đặt câu chơi chữ. Ở đây tác giả đã sử dụng những từ khái niệm tương đối như: Ao sâu, núi cao, biển rộng, sông dài... mọi người quen dùng mà không được định nghĩa. Điển hình của vấn đề này là “nghịch lý đống thóc” trong toán học. Một tấn thóc để trên sân ai cũng gọi là “đống thóc”. Lấy đi 1, 2, 3... hạt vẫn gọi là đống thóc. Bài toán đặt ra là lấy đi bao nhiêu hạt thì “đống thóc” không còn là “đống” nữa mà trở thành “mớ thóc”. Không ai trả lời được. Khái niệm “núi cao” cũng tương tự. Đỉnh Phan Si Phăng, mái nhà của Việt Nam, ai cũng công nhận là “núi cao”, vậy ngọn núi cao nhiêu mét thì gọi là núi thấp? Chưa có ai định nghĩa cả.
      Theo thuyết biện chứng: Khi một người giải bài toán trong chương trình nào đó, muốn nhận xét người đó giải hay hoặc dở thì người nghe phải có trình độ tương đương hoặc cao hơn. Bình văn, bình thơ cũng vậy, dù trong văn chương không có thước đo chặt chẽ, chuẩn mực như toán học. Bởi vậy các thầy cô giáo không nên ra đề cho học sinh: “Em hãy bình luận bài thơ sau...” mà nên thêm vào trước từ bình luận chữ “tập”. Bởi vì một học sinh phổ thông bình thơ của Nguyễn Du thì khác gì “đo biển bằng sào”. Ngay chỉ một câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” cũng đã tốn hàng chục trang “phê” và “bình” nữa là. Hay là câu tục ngữ “Ăn vóc học hay”, từ “vóc” được giải thích với nhiều cách hiểu khác nhau.
     Tiếc rằng Thơ như một cô gái xinh đẹp có ma lực, đã không vương vấn thì thôi, đã sa vào thì không dứt ra được nữa. Trừ một số người đặc biệt, còn nói chung mấy ai coi làm thơ là một nghề kiếm cơm, dẫu rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”. Họ chỉ coi thơ là bạn, là người thay mình dãi bày tâm sự, là những bông hoa tô điểm cho đời, là gia vị của món ăn, là chén trà thơm, là chút men say giúp ta thêm yêu, hiểu cuộc sống và thiên nhiên hơn, tuy rằng thiếu nó người ta vẫn cứ tồn tại.
     Nhưng, đĩa thịt gà ri da vàng, thịt trắng phau sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu đĩa muối tiêu và mấy lá chanh thơm. Tết sẽ ra sao nếu vắng cành đào, đoá mai dù trong nhà giò, chả, bánh chưng đầy đủ. Và càng tẻ hơn nếu không có bài thơ khai xuân chúc sức khỏe, ngợi ca cuộc sống thanh bình cùng thiên nhiên hùng vĩ. Cho nên những người đọc, người viết vẫn rất cần thơ, say thơ và thức tới trắng đêm, nghĩ tới bạc tóc để có một câu thơ hay dâng tặng cho đời, hay là tận hưởng được một áng thơ tuyệt tác xuất thần.
     Câu thơ cuối cùng cũng thể hiện được cách dùng từ sinh động của tác giả. Cùng là từ trắng, nhưng trong “trắng đêm” nó là tính từ chỉ thời gian, còn trong “trắng tóc” nó là tính từ chỉ màu sắc. Vừa đảo tính từ lên trên, vừa đặt hai từ cạnh nhau, dồn dập, liên tiếp để thể hiện được niềm mê say, vừa thể hiện sự lao động trí tuệ vất vả và nghiêm túc của người làm thơ.
                                                Tháng 6/ 2002


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét