Những bông hoa muôn màu muôn sắc rực rỡ lung linh dưới ánh mặt trời cùng với hương thơm quyến rũ lan tỏa mơn man trong gió mà tinh túy của đất trời ban tặng cho con người. “Dưới sân rộng sum suê quế huệ/ Trong nhà cao sực nức chi lan”. Nhưng “Chơi hoa đã đễ mấy người biết hoa”. Yêu và hiểu hoa như Nguyễn Du thật hiếm.
Trong truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã nhắc đến 15 loài hoa là: Đào (21 lần), Mai (12 lần), Sen (13 lần), Lan (5 lần), Cỏ lau (2 lần), Hồng (6l ần), Lê (5 lần), Cúc (4 lần), Hải đường (2 lần), Trà mi (2 lần), Phù dung, Lựu, Mẫu đơn, Liễu, Huệ.
Thứ nhất, Nguyễn Du nói về hoa với khía cạnh là một sản vật làm đẹp đất trời:
Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.
Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
Thứ hai, Nguyễn Du sử dụng các loài hoa: Đào, Lê, Hải đường biểu thị cho mùa xuân; Sen, Lựu biểu thị cho mùa hạ; Cúc để biểu thị cho mùa thu:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
Mảng vui rượu sớm cờ trưa
Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân...
Thứ ba, để tả nét đẹp của người con gái, ông tả vẻ đẹp của loài hoa:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai
Trướng tô giáp mặt hoa đào
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa
Thứ tư, lên án sự đối xử thô bạo với phụ nữ, Nguyễn Du đưa ra hình ảnh các loài hoa đẹp mỏng manh bị tàn phá:
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung
Dạy rằng cứ phép gia hình
Ba cây chụm lại một cành mẫu đơn
Thứ năm, sự nguyên vẹn của bông hoa biểu thị cho trinh bạch của người con gái:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Tiếc thay một đóa tà mi
Con ông đã tỏ đường đi lối về
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong nhị trăng vàng tròn gương
Đặc biệt, ông rất nhiều lần sử dụng từ “hoa” để miêu tả nhân vật, tình và cảnh, thống kê toàn truyện, 3254 câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã 129 lần nhắc đến mỹ từ này. Có câu dùng tới ba lần: Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa
Nhưng có lẽ từ hoa mà thi sĩ sử dụng nhiều nhất là để biểu thị người con gái:
Xót nàng chút phận thuyền quyên
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn
Về đây nước trước bẻ hoa
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau
Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa
Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi
Từ nghe vườn mới thêm hoa
Miệng người đã lắm tin nhà thì không
Ngoài việc sử dụng những danh từ, tính từ có chữ hoa như: tài hoa, hào hoa, phồn hoa, tinh hoa, anh hoa, vinh hoa, nguyệt hoa, trăng hoa, kiệu hoa, hoa khôi, hoa quan, hoa đèn… dường như Nguyễn Du rất thích ghép từ hoa với một từ khác. Những từ này sau khi được “gắn hoa” đã trở nên xinh đẹp lạ kỳ: Thềm hoa, thề hoa, tường hoa, trướng hoa, bút hoa, then hoa, tiệc hoa, tờ hoa, đuốc hoa, sân hoa, tiên hoa (giấy vẽ hoa)… Thậm chí tả giọt nước mắt rơi xuống thềm chảy lan ra cũng thành hình bông hoa: Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.
Ngay thân phận người hầu gái được coi là hèn kém trong quan niệm dưới thời phong kiến ông cũng ghép từ hoa vào thành từ “hoa tỳ”:
Nàng càng e lệ ử ê
Rỉ tai hỏi lại hoa tỳ trước sau
Khi Kiều bị Hoạn Thư bắt cóc về làm thị tỳ, ông cũng đặt tên cho nàng là Hoa:
Hoa nô truyền dạy đổi tên
Buồng the dạy ép vào phiên thị tỳ
Để tả cuộc đời lênh đênh và bị rẻ rúng của Kiều, đằng sau danh từ hoa ông dùng những động từ miêu tả sự tàn lụi hoặc những tính từ, cụm từ tả sự nhạt phai, tầm thường như: hoa rụng, hoa rơi, hoa trôi, hoa tàn, hoa thải, hoa tường, hoa hèn, hoa giữa đường, hoa đã lìa cành, hoa cuối mùa, hoa rã cánh…
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Tuồng chi hoa thải hương thừa
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen
Nước trôi hoa rụng đã yên
Hay đâu địa ngục ở miền trần gian
Còn nhiều ân ái chan chan
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi
Ngược lại, Nguyễn Du nhiều lần đặt trước hoa những động từ “bạo lực” như : Ép, dầu, bẻ, vùi, chơi, trôi… để lên án sự chà đạp tàn khốc lên thân phận người phụ nữ nói chung và Thúy Kiều nói riêng trong xã hội bấy giờ
Phải tay vợ cả phũ phàng
Bắt về Vô Tích toan đường bẻ hoa
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay đạp liễu vùi hoa tơi bời
Tài hơn có lúc từ hoa nói lên ý hoàn toàn khác lạ:
Sinh rằng: Phác họa vừa rồi
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.
Trong câu thơ trên có thể hiểu là: Kim Trọng xin Kiều đề tặng vào bức vẽ vài lời cho hay, cho ý nghĩa, cho đẹp…
Còn trong câu:
Sợ gan nát ngọc liều hoa
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
Từ hoa ở đây lại chỉ mạng sống của con người.
Đặc biệt Nguyễn Du dùng từ hoa để chỉ nam giới, đó là Kim Trọng
Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông.
Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Tình sâu mong trả nghĩa dầy
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa.
(Ý nói không biết Kim Trọng đã lấy Thúy Vân chưa?)
Truyện Kiều là tuyệt tác. Đã có nhiều người khai thác từng khía cạnh như: Tiếng đàn của Kiều, tả trăng trong Kiều, các bài thơ do Kiều sáng tác, lẩy Kiều, tập Kiều… Còn bài viết này thì nghiên cứu về “hoa”, hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả một số thông tin thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét