Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

MỖI – MỘT
Ơn cha mẹ được làm người
Ơn Dân, ơn Nước có đời tự do
Sống là cho-nhận, nhận-cho
Hiệu cho và nhận thước đo tuổi vàng
Rừng xanh bởi dệt nắng hồng
Biển mênh mông bởi muôn sông tụ hòa
Mỗi người: Một điệu dân ca
Một dòng kênh đỏ phù sa biếc đồng
Một con đò ắp xuân lòng
Một giàn khoan biển bềnh bồng sóng đu
Một vườn hoa thuốc thơm thu
Một cây đèn biển xé mù trời đông.
Một đài viễn vọng thám không
Một viên đạn thẳng tấn công quân thù.
                          


Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012



       ỚT HAY HỒNG

Sao em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng?
Giá chi em một trái hồng
Đỏ tươi ngoài vỏ cho trong ngọt ngào.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012



                     DẠY VĂN
            Thân tặng thầy dạy văn Cao Sơn
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao?
Chớ ai đo biển bằng sào
Khác chi "phê" đại văn hào dở hay
Rượu văn chưa uống cũng say
Trắng đêm, trắng tóc một ngày bình thơ.
Phân tích:
     Đọc 2 câu thơ đầu chúng ta chợt nhớ đến một giai thoại văn học kể rằng: Thời thanh niên, trong một đêm trăng thanh, khi hát đối ở sân đình, một cô gái tuổi trăng tròn đã hỏi Nguyễn Du:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
     Chàng thư sinh nổi tiếng hay chữ khi đó đã chết đứng vì câu chơi chữ hóc búa này. Người xưa thường chia thời gian theo tháng âm lịch là trăng thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Tương ứng với trăng non, trăng thanh nhưng lại không có trăng già. Núi non, tiền bạc, hội hè... là từ láy nhưng người chơi chữ cố tình biến thành từ ghép. Bởi vì núi là danh từ, còn non lại trùng với tính từ chỉ trạng thái. Trong văn học chưa từng có khái niệm núi trẻ hay núi già. Tương tự như vậy, từ láy “tiền bạc” vừa được hiểu theo nghĩa danh từ chỉ chất liệu để làm ra tiền là “tiền bạc, tiền vàng hay tiền giấy” nhưng được biến thể theo kiểu “Đồng tiền thì nó bạc”. Bạc ở đây lại là tính từ chỉ tính chất (bạc bẽo). Hội hè thì được biến thể theo kiểu “Hội mùa hè hay hội mùa xuân”. Cô bạn gái đã đưa ra câu hỏi một từ không có nghĩa ngược hay nghĩa đối thì kỳ tài như Nguyễn Du cũng khó mà trả lời được.
    Tác giả đã thay câu “Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” thành “Núi bao nhiêu trượng gọi là núi cao” hỏi người được tặng là thầy giáo Cao Sơn (núi cao) để đặt câu chơi chữ. Ở đây tác giả đã sử dụng những từ khái niệm tương đối như: Ao sâu, núi cao, biển rộng, sông dài... mọi người quen dùng mà không được định nghĩa. Điển hình của vấn đề này là “nghịch lý đống thóc” trong toán học. Một tấn thóc để trên sân ai cũng gọi là “đống thóc”. Lấy đi 1, 2, 3... hạt vẫn gọi là đống thóc. Bài toán đặt ra là lấy đi bao nhiêu hạt thì “đống thóc” không còn là “đống” nữa mà trở thành “mớ thóc”. Không ai trả lời được. Khái niệm “núi cao” cũng tương tự. Đỉnh Phan Si Phăng, mái nhà của Việt Nam, ai cũng công nhận là “núi cao”, vậy ngọn núi cao nhiêu mét thì gọi là núi thấp? Chưa có ai định nghĩa cả.
      Theo thuyết biện chứng: Khi một người giải bài toán trong chương trình nào đó, muốn nhận xét người đó giải hay hoặc dở thì người nghe phải có trình độ tương đương hoặc cao hơn. Bình văn, bình thơ cũng vậy, dù trong văn chương không có thước đo chặt chẽ, chuẩn mực như toán học. Bởi vậy các thầy cô giáo không nên ra đề cho học sinh: “Em hãy bình luận bài thơ sau...” mà nên thêm vào trước từ bình luận chữ “tập”. Bởi vì một học sinh phổ thông bình thơ của Nguyễn Du thì khác gì “đo biển bằng sào”. Ngay chỉ một câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” cũng đã tốn hàng chục trang “phê” và “bình” nữa là. Hay là câu tục ngữ “Ăn vóc học hay”, từ “vóc” được giải thích với nhiều cách hiểu khác nhau.
     Tiếc rằng Thơ như một cô gái xinh đẹp có ma lực, đã không vương vấn thì thôi, đã sa vào thì không dứt ra được nữa. Trừ một số người đặc biệt, còn nói chung mấy ai coi làm thơ là một nghề kiếm cơm, dẫu rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”. Họ chỉ coi thơ là bạn, là người thay mình dãi bày tâm sự, là những bông hoa tô điểm cho đời, là gia vị của món ăn, là chén trà thơm, là chút men say giúp ta thêm yêu, hiểu cuộc sống và thiên nhiên hơn, tuy rằng thiếu nó người ta vẫn cứ tồn tại.
     Nhưng, đĩa thịt gà ri da vàng, thịt trắng phau sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu đĩa muối tiêu và mấy lá chanh thơm. Tết sẽ ra sao nếu vắng cành đào, đoá mai dù trong nhà giò, chả, bánh chưng đầy đủ. Và càng tẻ hơn nếu không có bài thơ khai xuân chúc sức khỏe, ngợi ca cuộc sống thanh bình cùng thiên nhiên hùng vĩ. Cho nên những người đọc, người viết vẫn rất cần thơ, say thơ và thức tới trắng đêm, nghĩ tới bạc tóc để có một câu thơ hay dâng tặng cho đời, hay là tận hưởng được một áng thơ tuyệt tác xuất thần.
     Câu thơ cuối cùng cũng thể hiện được cách dùng từ sinh động của tác giả. Cùng là từ trắng, nhưng trong “trắng đêm” nó là tính từ chỉ thời gian, còn trong “trắng tóc” nó là tính từ chỉ màu sắc. Vừa đảo tính từ lên trên, vừa đặt hai từ cạnh nhau, dồn dập, liên tiếp để thể hiện được niềm mê say, vừa thể hiện sự lao động trí tuệ vất vả và nghiêm túc của người làm thơ.
                                                Tháng 6/ 2002



                        CHÈ TƯƠI

Thơm,  chát, ngọt, say… bát nước trà
Nhanh tay em hái cạnh hiên nhà
Sương mai còn đọng như vương vấn
Rót vội mà sao vẫn đậm đà.
Phân tích:
     Dù đề bài không có chữ “tươi” thì khi đọc hết hai câu đầu chúng ta vẫn biết rằng bát nước chè thơm, chát ngọt, uống vào làm say lòng người ấy đích thị là chè tươi rồi. Đó chính là dụng ý chính của tác giả, không dùng từ miêu tả trực tiếp cái muốn nói mà người ta vẫn biết đang miêu tả về điều gì. Và dù bài thơ chỉ nói tới cô gái nhưng chúng ta thấy ngay còn có một chàng trai nữa. Có lẽ cả đêm qua anh đã thao thức, khao khát mong trời chóng sáng để đến gặp người đã hớp mất hồn mình. Cho nên, khi mà hạt sương mai vẫn còn long lanh đọng trên búp chè non tơ, chưa ăn sáng, anh đã đến tìm cô. Có lẽ không phải nhà hết chè khô, một người đảm đang ít khi để xảy ra tình huống đó, mà vì muốn mời chàng trai uống bát nước chè nguyên chất, không qua sao tẩm do chính tay vun trồng, được tưới bằng những giọt mồ hôi của mình, nên cô gái đã nhanh nhẹn vin những cành chè đang la đà bên hiên nhà, ngắt những lá “bánh tẻ” pha mời anh. Đang đói lòng, đói tình yêu nên khi uống vào anh đã say, say chè thì ít, say tình thì nhiều. Không thấy tác giả tả trực tiếp nhưng chúng ta vẫn biết được thiếu nữ này là người thế nào, cây chè xanh ám chỉ cô gái.
     Sương mai còn đọng như vương vấn miêu tả cô gái hãy còn ngây thơ trong trắng, nửa chưa muốn vướng “bụi hồng trần” nhưng trước sự nhiệt tình, lịch thiệp của chàng trai khiến cô có lúc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên là người dịu dàng và mến khách cô đã đón tiếp chàng trai với cả tấm lòng chân tình. Họ không nói với nhau nhiều lời. Chàng trai chậm rãi thưởng thức từng hớp trà. Cô gái ngồi yên lặng nhìn anh uống, nhưng ánh mắt và hành động của họ đều theo tiếng mách bảo của trái tim...
     Cụm từ “Thơm, chát, ngọt, say” đã miêu tả trình tự “trà đạo”. Nâng bát nước chè xanh nóng lên, trước hết ta thấy hương thơm theo hơi ấm êm ái len lỏi vào khứu giác, nhẹ nhàng mà lâng lâng. Và khi uống vào, mới đầu cảm thấy vị chan chát nhưng sau đó như có phản ứng hoá học xảy ra, vị chát chuyển dần thành vị ngọt, và vị ngọt đã cứ thấm dần từ đầu lưỡi lan xuống họng, đọng lại, càng nuốt càng thấy ngọt. Và cảm giác chuyển dần sang vị ngọt ấy cũng là dụng ý nói lên sự biến đổi tình cảm của cô gái, từ chỗ còn đôi chút e ấp, tình cảm đã thăng hoa đến giai đoạn “rót vội” mà vẫn “đậm đà”. Và khi đã đủ độ ta cảm thấy đê mê nhẹ nhàng, đó là say. Say chè ngược với say rượu. Càng say càng tỉnh táo. Không chỉ một mà cả hai cùng say...
     Bài thơ từ dụng ý tả bát nước chè tươi mà không dùng chữ tươi đã trở thành tả một mối tình rất trẻ trung, xanh tươi của một đôi trai thanh, gái đảm.
                                               Tháng 10/ 2002

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012


EM VÀ CHIẾC ÁO DÀI


Anh định tặng em yêu
Chiếc áo dài dân tộc
Giữa sắc màu choáng ngợp
Cứ đắn đo màu nào ?
Em mặc áo hoa đào
Anh ngỡ mùa Xuân tới
Giục những chồi thơ mới
Theo tiếng đàn vút nhanh.
Em choàng nước biển xanh
Nắng hè như dịu lại
Để tuổi xuân xanh mãi
Trong mắt xanh mơ màng.
 Em diện sắc mai vàng
Trời đông như bừng nắng
Chùm bướm vàng bướm trắng
Đến dập dờn vây quanh.
Em chọn màu tuyết trắng
Điểm sơn mài cánh sen
Anh ngỡ vầng mây bạc
Bay dập dờn quanh em.
Em mặc áo màu nào
Cũng trẻ gần chục tuổi
Trông e ấp dịu dàng
Như cô dâu ngày cưới.
Tà áo dài lộng lẫy
Là sắc màu của hoa
Còn nhị hương thơm ngát
Lời dịu dàng thiết tha.
                1991


          EM ĐỢI MÙA THU
    
Chuyển kể rằng nhà thơ lớn Nguyễn Du
Có bạn gái tên là Hoàng Cúc
Múa dẻo, hát hay, đẹp người, đẹp nết
Ngoại ba mươi chưa chịu lấy chồng
Đêm trăng thanh hát đúm ở sân làng
Đóa hoa thắm khiến bao chàng say đắm
Nguyễn Du thả một câu hát dặm
Để thăm dò lòng bạn gái thân
“Trăm hoa đua nở về xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu ?”
Nàng cười khẽ chớp hàng mi
Trả câu ví dặm mê ly dịu dàng:
“Bởi chăng mong chút nhị vàng
Cho nên Cúc mới muộn màng đợi thu”
Kỳ tài như thể Nguyễn Du
Nghe thơ đáp cũng sững sờ khen hay
Bút rồng, lược phượng trao tay
Trăng ghi thề ước đợi ngày vu quy
Khen ai dám đợi khéo chờ
Bấy lâu mài sắt bây giờ nên kim.

                          Thu 1995


              EM  LÀ AI

 Khi vắt màn, vô tình tạo ra hình cô gái đường nét kỳ   ảo 

đành ngủ không buông màn vì sợ cô gái biến mất.


Anh vô tình sáng tạo ra em
Làn tóc mây gió vờn hắt nắng
Miệng mỉm cười mắt đăm xa trông ngóng
Trên tay trang sách đọc dở chừng.
Em là ai ? Sao quen thuộc vô cùng
Thực thực hư hư ánh nê-ông huyền ảo
Quê ở đâu hỡi cô em hiền thảo
Từ rừng xanh hay biên đảo hiện về?
Đã qua rồi giờ đọc truyện đêm khuya
Chẳng muốn mất em màn tuyn không rủ
Sáng tỉnh dậy chẳng thấy em đâu cả
Ơ! Đêm qua ai bủa giúp tôi màn?
               Nha Trang  6/ 1981